icon vi icon vi

Tin trong ngành

DN sản xuất bao bì ngành dược: chưa theo kịp nhu cầu

Cập nhật : 04/04/2016

Lượt xem : 1447

Cỡ chữ :

Theo Bộ Y tế, sản xuất bao bì trong nước mới đáp ứng được trên 30% nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất thuốc.

 
PGS.TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp về dược học cho biết, bao bì đựng thuốc gồm chai lọ, hộp, ống tiêm, vỉ, túi… không chỉ đơn thuần là vật để đựng thuốc, mà còn giữ nhiều chức năng quan trọng, như bảo vệ dược chất và dược phẩm khỏi các tác động xấu của các tác nhân vật lý và hoá học từ bên ngoài. Đặc biệt, sản xuất được bao bì tốt, đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) còn là một trong những biện pháp chống thuốc giả rất hữu hiệu.
Theo Bộ Y tế, nhu cầu sử dụng bao bì có chất lượng cao trong ngành dược ngày càng tăng và ngành đã kêu gọi các doanh nghiệp tăng đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, hiện tại, công nghiệp sản xuất bao bì trong nước mới đáp ứng được trên 30% nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất thuốc. Còn lại, các doanh nghiệp phải nhập từ các quốc gia có ngành công nghiệp bao bì phát triển như Thái Lan, Singapore, Malaysia…
 
Không những chưa đáp ứng được nhu cầu về mặt số lượng, mà về chất lượng, nhiều sản phẩm bao bì do doanh nghiệp trong nước sản xuất còn chưa đạt chuẩn GMP-WHO, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nhà sản xuất thuốc.
 
Về nguyên nhân khiến lĩnh vực sản xuất bao bì dược chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư, ông Vĩnh Đệ, Phó giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ bao bì Lưu Gia Phát (quận Bình Tân, TP.HCM) cho rằng, đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bao bì, trong đó có bao bì dược, đòi hỏi chi phí rất lớn, trong khi thời gian thu hồi vốn lâu. Hơn nữa, đây lại không phải là lĩnh vực được ưu đãi đầu tư.
 
Bà Đỗ Huỳnh Phương Lan, Giám đốc Công ty In Minh Phương (doanh nghiệp chuyên sản xuất bao bì đạt tiêu chuẩn GMP tại TP.HCM, trong đó 60% dành để xuất khẩu và 40% tiêu thụ nội địa) cho biết, các doanh nghiệp sản xuất bao bì trong nước hầu hết vẫn sử dụng máy móc, thiết bị cũ, các công đoạn làm ra thành phẩm sau in còn thủ công, chất lượng thấp và không đồng bộ.
 
Ngoài ra, môi trường sản xuất bao bì, in chật hẹp, dẫn đến không bố trí quy trình hợp lý, bảo quản nguyên vật liệu và thành phẩm không đạt yêu cầu, không đảm bảo vệ sinh…
 
Theo bà Lan, với quy mô hoạt động của các công ty sản xuất bao bì Việt Nam hiện nay, nếu không có sự hỗ trợ từ Nhà nước hoặc từ các quỹ đầu tư, ngân hàng, các tổ chức tín dụng khác, thì sẽ rất khó thay đổi quy trình sản xuất, vì vốn đầu tư cho công nghệ sản xuất bao bì rất cao.
 
Để đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, Công ty In Minh Phương đã phải đầu tư hàng chục tỷ đồng để mua công nghệ mới, nhưng cũng chỉ sử dụng được 3 năm, sau đó lại phải thay công nghệ khác. Đặc biệt, nếu chỉ đầu tư cho công nghệ, máy móc thì chưa đủ, mà cần phải đầu tư cho cả một dây chuyền sản xuất đồng bộ từ nhà xưởng đến nguyên liệu, con người, thì mới đảm bảo cho ra đời những sản phẩm bao bì đạt chất lượng.
 
Trước thực trạng đầu tư của ngành công nghiệp sản xuất bao bì dược, tại Hội nghị Định hướng đầu tư vào lĩnh vực dược đến năm 2020 vừa được tổ chức, Bộ Y tế đã đưa ra một loạt chính sách để kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu sản xuất bao bì công nghệ cao phục vụ ngành dược, đặc biệt khuyến khích đầu tư liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ với các đối tác nước ngoài sản xuất bao bì dược, để đến năm 2020 đáp ứng 90% nhu cầu sử dụng bao bì trong nước. Nhưng tiếc rằng, đây vẫn chỉ là những lời kêu gọi chung chung và rất khó để các doanh nghiệp có thể đi đến quyết định bỏ vốn đầu tư.
 
Theo Hải Yến
Báo Đầu tư

Các bài viết khác

TIN TỨC

Tin nổi bật