icon vi icon vi

Tin trong ngành

Hạt nhựa cao cấp sản xuất từ rác nhựa

Cập nhật : 10/12/2016

Lượt xem : 3198

Cỡ chữ :

Mới đây, ở TP HCM đã có 2 doanh nghiệp đột phá trong lĩnh vực giải quyết chất thải nhựa khó phân hủy, bằng cách tái tạo hạt nhựa cao cấp từ rác nhựa. Chiến lược này nhằm tạo ra sản phẩm mới, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa giải quyết nạn ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, tổng sản phẩm nhựa của cả nước đã trên một triệu tấn mỗi năm, trong đó, 80% tập trung ở TP HCM. Loại vật liệu này có thể tồn tại trong môi trường tự nhiên cả thế kỷ, vì vậy, từ nhiều năm qua, rác nhựa đã trở thành mối đe dọa lớn đối với môi trường TP Hồ Chí Minh, cũng như ở nhiều đô thị khác.
 
 
Ông Lê Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Phát Thành (FATACO) - cho biết hiện nay dây chuyền sản xuất hạt nhựa cao cấp từ rác nhựa do công ty nhập về đang chạy thử nghiệm. Khoảng 2 tuần nữa, sản phẩm sẽ chính thức có mặt trên thị trường. Thực ra, ở TP HCM, sản xuất hạt nhựa bằng rác nhựa đã có từ lâu. Nhưng tất cả đều là công nghệ cũ, sản xuất trên thiết bị lạc hậu. Vì vậy, hạt nhựa xuất xưởng có chất lượng rất thấp, chỉ bằng 30% - 40% so với hạt nhựa chính phẩm. Vả lại, sản xuất theo công nghệ cũ thải ra nhiều khói, bụi, hóa chất độc hại cho môi trường xung quanh.
Trong khi đó, áp dụng công nghệ mới vừa không gây ô nhiễm môi trường, chất lượng hạt nhựa sản xuất ra có thể bằng 90% so với hạt nhựa chính phẩm nhập khẩu, giá thành lại rẻ hơn nhiều. Dây chuyền có thể dùng chai PET đã qua sử dụng (các chai nhựa trong chứa đồ uống) để sản xuất lại hạt nhựa PET và từ hạt nhựa này, tái sử dụng để sản xuất chai PET.
Ông Thành giải thích: “Thiết bị sản xuất ra hạt nhựa cao cấp từ rác nhựa nhiều nước trên thế giới có thể sản xuất được. Tuy vậy, tái tạo lại hạt nhựa PET từ chai PET đã qua sử dụng, rồi “thổi” lại được chai PET thì không phải nước nào cũng làm được”. Theo tính toán của FATACO, công nghệ mới tái tạo lại hạt nhựa có thể làm giảm vài chục phần trăm giá thành sản phẩm nhựa so với nhập khẩu nguyên liệu.
 
 
Một doanh nghiệp khác cũng dẫn đầu trong cuộc "đột phá" này là Công ty Nhựa Sài Gòn. Với dây chuyền tái tạo hạt nhựa cao cấp mới nhập về, thì thay cho việc nhập khẩu hạt nhựa, dự kiến công ty sẽ tiết kiệm được 3 triệu USD mỗi năm. Đối với Nhựa Sài Gòn, việc đầu tư này sẽ làm cho doanh nghiệp không chỉ chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất, mà còn có thể hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, còn góp phần tạo ra nhiều việc làm cho hệ thống thu gom, phân loại rác nhựa.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhựa ở TP HCM đang hết sức quan tâm đến lĩnh vực làm ăn mới mẻ này. Đây là hướng đầu tư Nhà nước cần khuyến khích. Ở nhiều quốc gia như Nhật, Đức, việc tái sử dụng lại sản phẩm nhựa là bắt buộc, và doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này được Nhà nước tài trợ. Trong khi đó, công ty Nhựa Sài Gòn phải mất hơn một năm rưỡi để làm thủ tục đầu tư cho lĩnh vực mà Nhà nước đang cần khuyến khích này.

Các bài viết khác

TIN TỨC

Tin nổi bật