icon vi icon vi

Tin trong ngành

Thái, Hàn, Nhật thi nhau thâu tóm nhựa Việt

Cập nhật : 29/10/2018

Lượt xem : 1407

Cỡ chữ :

Dồn dập thâu tóm

Sau rất nhiều lần theo đuổi các thương vụ mua cổ phiếu của Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP), Tập đoàn SCG (Thái Lan) mới đây chính thức thông báo đã nâng tỉ lệ sở hữu tại nhựa Bình Minh lên 51,10%.

Chưa hết, Tập đoàn SCG của người Thái Lan còn hoạch định số vốn đầu tư lên 6 tỉ USD để gia tăng sức mạnh trong ngành nhựa VN từ đây cho đến năm 2020. Đáng chú ý trước đó SCG cũng đã chi 121 triệu USD để sở hữu cổ phần tại bảy công ty nhựa VN. Riêng với Công ty Cổ phần Nhựa Tiền Phong, hiện Công ty Sekisui Chemical (Nhật) đã thế chân SCG trở thành cổ đông lớn tại công ty này.

Theo ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa VN (VPA), Thái Lan với các bước chuẩn bị thâm nhập thị trường nhựa VN bài bản, hệ thống phân phối chuyên nghiệp. Chẳng hạn các sản phẩm nhựa của DN Thái được ưu tiên phân phối chính thức tại các trung tâm bán buôn của Metro trải dài trên khắp lãnh thổ VN.

Thái, Hàn, Nhật thi nhau thâu tóm nhựa Việt - Ảnh 1.

Không chỉ tiêu thụ trong nước, các sản phẩm nhựa của Việt Nam đang xuất khẩu sang nhiều thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Ảnh: HTD

Không chỉ người Thái thấy sức hấp dẫn từ thị trường nhựa VN mà người Hàn Quốc cũng đặt thị trường nhựa vào tầm ngắm. Sau khi mua lại Công ty Bao bì Minh Việt từ Masan, Tập đoàn Dongwon Systems Corporation ( Hàn Quốc ) đã thực hiện thu gom cổ phiếu Công ty Nhựa Tân Tiến trên thị trường.

Đây là một trong những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực bao bì phức hợp cho ngành thực phẩm với doanh thu bình quân hằng năm 1.300-1.500 tỉ đồng. Hầu hết khách hàng của Tân Tiến là những ông lớn có thương hiệu mạnh tại thị trường VN như Unilever, Ajinomoto, Acecook, Trung Nguyên, Vinamilk,…

Tính đến thời điểm hiện nay, Tập đoàn Dongwon Systems Corporation của người Hàn đã là cổ đông lớn tại Tân Tiến với tỉ lệ sở hữu lên đến 97,83%. Sau khi thâu tóm được Tân Tiến, toàn bộ hội đồng quản trị người Việt, trong đó có những nhà sáng lập DN này bị “hất văng” ra khỏi các vị trí chủ chốt của công ty để nhường lại cho người Hàn quản lý.

Người Nhật cũng không kém khi Công ty MeiwaPax Group chi 16,5 triệu USD mua Công ty Bao bì Sài Gòn (Sapaco); Oji Holding Corporation mua Công ty TNHH Bao bì United; Sagasiki Vietnam mua Công ty In và Bao bì Goldsun.

Sức ép gia tăng

Sự ồ ạt đầu tư của các DN ngoại vào ngành nhựa tại VN, theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển là nhằm tận dụng các ưu đãi đầu tư về đất đai, thuế và giá nguyên vật liệu; năng lượng, nhân công giá rẻ để tiết kiệm chi phí nhằm đạt được mức giá tốt nhất. Việc VN tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do cũng đem lại lợi thế không nhỏ cho các DN ngoại.

“Với việc đổ vốn mạnh mẽ vào ngành nhựa, các DN ngoại còn tận dụng chuỗi giá trị từ đầu vào cho đến đầu ra mà họ đã kỳ công xây dựng tại VN. Ví dụ, người Thái đã đầu tư nhà máy hạt nhựa, có sẵn hệ thống nhà máy sản xuất và một mạng lưới phân phối rộng khắp từ các thương vụ mua bán , sáp nhập các hệ thống bán lẻ tại VN” - ông Hiển nhìn nhận.

 

Sức ép này rõ ràng là rất lớn với công ty nhựa VN, nhất là trong bối cảnh phần lớn DN nhựa nội luôn trong tình trạng thiếu vốn, công nghệ lạc hậu, thiếu nguồn nhân lực có trình độ cao. “Sự khó khăn của các công ty nhựa Việt còn đến từ việc phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu phải nhập khẩu. Ngành nhựa luôn có chi phí hoạt động cho sản xuất kinh doanh tương đối cao dẫn đến chi phí giá vốn hàng bán cao. Do vậy chỉ cần các yếu tố khách quan như tỉ giá, lãi vay, chính sách thuế nhập khẩu thay đổi đột ngột là lợi nhuận thuần ngay lập tức bị tổn thương” - chủ tịch VPA nhận định.

Để ứng phó và có thể đứng vững trên thị trường, đại diện một số công ty nhựa VN cho biết đang nỗ lực thay đổi. “Chiến lược hiện nay của chúng tôi là xác định sản phẩm mục tiêu, khách hàng mục tiêu và tập trung toàn bộ nguồn lực vào đó, không dàn trải. Để có thể tiếp cận khách hàng khó tính, chúng tôi đầu tư công nghệ, máy móc, thiết bị vào từng công đoạn sản xuất để sản phẩm có độ chuẩn xác cao về kích thước, tỉ lệ phế liệu tiêu hao thấp, hạ giá thành sản phẩm để nâng cao năng lực cạnh tranh” - lãnh đạo Công ty Nhựa Rạng Đông cho biết.

 

Nhiều cơ hội cho ngành nhựa

Theo Hiệp hội Nhựa VN, nhu cầu tiêu thụ nhựa bình quân đầu người sẽ tăng và đạt 45 kg/người/năm vào năm 2020, tương đương tỉ lệ tăng trưởng là 4%/năm. Ngành bất động sản, xây dựng tiếp tục phục hồi trong những năm tới sẽ thúc đẩy các sản phẩm nhựa xây dựng.

Theo Bộ Công Thương, nhiều DN nhựa VN đều nhập các công nghệ tiên tiến nhất của thế giới về sản xuất tạo ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Qua đó đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật.

Nếu xét về mặt quy mô và công nghệ để gia tăng lợi thế cạnh tranh, một số DN trong ngành nhựa đang làm rất tốt. Đã thấy có một làn sóng mở rộng quy mô sản xuất của các DN Việt. Đơn cử như Công ty An Phát liên tục mở rộng và xây dựng thêm nhà máy đến con số bảy để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Nhựa Đông Á vừa đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất profile với 17 dây chuyền và trạm trộn tự động.

Các bài viết khác

TIN TỨC

Tin nổi bật