Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo “Nền kinh tế tuần hoàn: Hướng tiếp cận mới nâng cao sức cạnh tranh, giảm chất thải ra môi trường” vừa tổ chức tại Hà Nội. Theo PGS.TS Huỳnh Trung Hải - Trưởng phòng KHCN, Đại học Bách Khoa Hà Nội, trong năm 2010, các doanh nghiệp (DN) thép Việt Nam sản xuất được 8,7 triệu tấn sản phẩm, đáp ứng khoảng 80% tổng nhu cầu thép cả nước. Tuy nhiên, lượng thép phế trong nước cho đến nay mới chỉ cung cấp được trung bình khoảng 30%, còn lại phải nhập khẩu từ bên ngoài. Trong ngành công nghiệp nhựa, tổng công suất ước tính là khoảng 3,8 triệu tấn nhưng nguồn cung nguyên liệu trong nước chỉ đạt khoảng 30%. Hàng năm nhập khẩu từ 2 - 2,5 triệu tấn nguyên liệu, trong đó phế liệu nhựa đã chiếm trên 80% (!).
Đáng nói, TS.Hải cho rằng, phần lớn chất thải ở Việt Nam được tái chế tại các làng nghề, gần như không có sự hỗ trợ của các ngành công nghiệp phụ trợ. Đại đa số các thiết bị, máy móc và hóa chất đều là tự chế tạo hoặc nhập khẩu từ nước ngoài với chất lượng thấp, khó kiểm soát. Các DN chưa được hỗ trợ bởi một khung pháp lý phù hợp, đặc biệt là trong các vấn đề giám sát sản xuất, giám sát hiệu quả hoạt động và chất lượng sản phẩm. “Chúng ta đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lực phục vụ tái chế như: vốn, nhân lực trình độ cao, trang thiết bị chuyên môn và khả năng làm chủ công nghệ mới” - ông Hải nói.
“Phải coi chất thải là tài nguyên”
Các chuyên gia đánh giá, việc xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp, đốt thủ công... tiêu tốn hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm song hiệu quả không cao, chưa kể gây hậu quả trực tiếp tới môi trường. Với tiềm năng lớn của ngành công nghiệp tái chế, TS Hải cho rằng, thời gian tới cần tập trung phát triển các DN tái chế lớn, dịch chuyển dần theo hướng chính quy hóa các cơ sở quy mô vừa và nhỏ, ưu tiên liên kết các DN. Bên cạnh đó, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa DN và cơ sở nghiên cứu nhằm khai thác thế mạnh của từng bên với sự giám sát, hỗ trợ của nhà nước.
Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Tổng Thư ký VCCI cho biết, trong hội đồng DN vì sự phát triển bền vững sẽ thành lập một thị trường mua bán nguyên vật liệu phế thải để các DN tự do giao dịch, từ đó dễ dàng tiếp cận chu trình khép kín. “Một công ty có nhu cầu về nhựa có thể mua những sản phẩm nhựa sau khi sử dụng của các DN khác để chế biến từ những hộp nhựa thành dầu để sử dụng. Hoặc một DN sản xuất điện có thể sử dụng những sản phẩm tái chế những chất thải trong quá trình sản xuất điện để tạo ra một nguồn nguyên vật liệu mới trong ngành xây dựng, qua đó tiếp cận những bạn hàng và thị trường mới” - ông Vinh dẫn chứng.
Như vậy, từ trước đến nay, phương pháp quản lý rác thải truyền thống thường tìm cách giảm thiểu các chi phí thu gom và xả thải - tức là chôn lấp thay vì tái chế hay thiêu hủy rác. Nhưng trong một nền kinh tế tuần hoàn, mục tiêu là tối đa hóa giá trị tại mỗi giai đoạn trong vòng đời của một sản phẩm. “Để biến việc tái chế trở thành cơ hội phát triển trong giai đoạn mới, điều quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy, quan điểm về chất thải và tái chế chất thải; phải coi chất thải là tài nguyên và coi quản lý chất thải là quản lý tài nguyên”, ông Hải nhấn mạnh.